Chiều 21/3, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức Tọa đàm “Định hướng hỗ trợ các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TPHCM về phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị trường đại học”.
Tham dự chương trình có đại diện dự án PURSEA (Dự án “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á” do Liên minh châu Âu tài trợ); đại diện của các trường đại học là thành viên của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Sức khỏe (thuộc Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM): Đại học Y dược TPHCM; Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; Trường Đại học Mở TP.HCM; Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch...
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, Điều phối Dự án PURSEA) và bà Sabine Goulin (Phó Ban Chiến lược và Đảm bảo chất lượng, Đại học Lorraine, Pháp) đã có những chia sẻ sâu về dự án PURSEA và định hướng hỗ trợ các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP.HCM về phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị trường đại học; trao đổi nội dung xoay quanh phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị trường đại học...
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Sức khỏe TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2025, cho rằng một trong những phương châm của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Sức khỏe là chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường trong khối cũng như các trường ngoài khối.
Đánh giá cao dự án PURSEA, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng khi được tiếp nhận cơ hội chuyển giao kết quả của dự án PURSEA sẽ giúp cho các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP.HCM có phương pháp xây dựng, tổ chức, thực hiện chiến lược và quản trị trường đại học bài bản, khoa học hơn; từ đó, thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, nâng cao chất lượng đào tạo.
Khó thành công khi vẫn triển khai hoạt động quản trị theo cơ chế cũ
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, hiện nay, xã hội có nhiều sự thay đổi: kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ, pháp luật. Những thay đổi này buộc các cơ sở giáo dục đại học phải xem xét lại mô hình, nội dung, phương thức đào tạo để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện mới. Đồng thời, vượt qua những thách thức như: vai trò và trách nhiệm xã hội của trường đại học trong sự phát triển của một quốc gia, nhu cầu học tập suốt đời, sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số.
Đối mặt với những thách thức này, các cơ sở giáo dục đại học khó có thể thành công khi vẫn triển khai hoạt động quản trị theo cơ chế cũ như: lập kế hoạch khi không đủ dữ liệu phân tích bối cảnh phát triển; thiếu những dự đoán chính xác về xu hướng thay đổi của nền kinh tế, xã hội; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động hằng năm thay vì kế hoạch dài hạn; kế hoạch được lập thiếu các chỉ số, chỉ báo cụ thể để theo dõi hiệu quả thực hiện; năng lực quản lý, điều hành, giám sát và kiểm tra/đánh giá của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ khoa học chưa phù hợp với bối cảnh mới; thiếu đầu tư cho đào tạo cán bộ về hoạch định chiến lược để triển khai đổi mới mô hình quản trị giáo dục đại học....
Để hỗ trợ các trường đại học trong khu vực giải quyết các thách thức nêu trên, Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ - Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AUF- DRAP) đã kết nối 16 trường đại học tại châu Âu và châu Á (trong đó có 6 trường đại học Việt Nam, 2 trường đại học Campuchia, 5 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, 1 trường đại học của Bỉ và 1 trường đại học của Đức và Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ) để cùng xây dựng Dự án “Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á” (PURSEA), do Liên minh châu Âu tài trợ từ năm 2020 đến năm 2023 trong khuôn khổ dự án Erasmus+ KA2 nhằm tăng cường năng lực cho các trường đại học.
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại tọa đàm.
Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia đối tác châu Âu giúp các trường châu Á đổi mới quản trị đại học thông qua việc học các phương pháp mới để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường, biến chiến lược thành các kế hoạch hành động trung hạn và ngắn hạn để triển khai. Các thành viên tham gia dự án được học sử dụng các công cụ hỗ trợ để xây dựng chiến lược và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của từng trường đại học.